Sunday, July 13, 2014

Ở chùa




Ở chùa

Ở Mỹ về nghỉ hè được 3 tháng thì tôi đưa sinh viên đi học gần 1 tháng, ở chùa 2 tháng còn lại. Cách vài ngày, mẹ lại gọi điện: “Bao giờ con về? Sao con ở chùa mãi thế?”. Bạn bè, đồng nghiệp, nhà xuất bản hẹn hò gặp gỡ, trừ trường hợp công việc rất cần thiết, tôi thường nói tôi đang ở chùa xa lắm, không vào Hà Nội được. Ai cũng hỏi “Sao lại ở chùa?” Để khỏi phải giải thích dài dòng, tôi thường nói tôi đang làm nghiên cứu về sức khỏe tâm thần; vì có liên quan khái niệm “tâm” và “loạn tâm” nên tôi tìm hiểu ở chùa. Có lúc tôi nói tôi đang viết sách về văn hóa Việt Nam và Phật giáo. Tất cả những câu trả lời này đều không sai. Nhưng lý do chính mà tôi ở chùa thực ra không gọi tên chắc chắn được, chính tôi cũng chỉ có thể dùng trực cảm mà biết. Nói thô thiển nhất, tôi ở chùa để học – học về mình. Các sản phẩm công việc chỉ là hệ quả phụ.

Ở chùa học được gì?

Thực sự, cái hấp dẫn tôi đến và trở lại chùa lúc đầu là vì tôi thấy quá nhiều cái đẹp vi tế trong nhịp điệu cuộc sống ở chùa khi tôi đến chùa lần đầu cách đây 4 năm. Thế nên tôi muốn quay lại để ghi tất cả như một nhà văn. Bắt đầu từ tiếng chuông khai tĩnh lúc 4 giờ sáng. Tiếng gậy lộc cộc của thầy đi khắp chùa gọi ông Phát (lúc đó là chú Phát) và bọn trẻ con lên Tam bảo tụng công phu khuya. Rồi tiếng mõ lúc sớm – đẹp kể cả khi ông Phát vì buồn ngủ mà có lúc tay mõ không đều. Tôi thấy bọn trẻ con ngủ gục trên án kinh cũng đẹp. Thầy mắng bác Phát tôi cũng thấy đẹp vì nó đầy tình thầy trò; cái sợ của bác Phát với thầy hay cái sợ của bọn trẻ con mỗi khi “anh Triển” ở trường hạ tạt về chùa một ngày cũng đẹp. Bà Xuân ngồi dựa cột cũng đẹp; bọn trẻ con lội ruộng bắt ốc cũng đẹp. Bác Phát dạy ông Khai (lúc đó là chú Trung) thỉnh chuông cũng đẹp.

Nhưng đẹp nhất là suốt cả ngày Phật tử ra ra vào vào hỏi chuyện thầy, đủ thứ thượng vàng hạ cám mà thầy vẫn cười vui vẻ. Với người đến tìm hiểu Phật pháp thì thầy nói chuyện Phật pháp, người đến cầu xin thì giải quyết chuyện cầu xin, với người chỉ muốn đến chùa chơi thì thầy ngồi chơi với họ. Ngồi chơi – nghe tưởng đơn giản mà vô cùng khó. Họ đến chơi nhưng trong sự chơi dĩ nhiên luôn đi kèm thăm dò, ít nhiều luôn có sự đối-đãi, có tìm kiếm, có khi đến vì sợ, có khi đến vì bất an, có người đến vì muốn vui, có người vì ốm. Không quan trọng lí do ban đầu họ đến là gì, thầy đều tiếp như nhau. Khi thì nói Phật pháp, khi kể chuyện cười, khi thì hát, khi thì mắng, rất nhiều khi chỉ nghe… Tôi cứ tự nhìn mình, ngày nào phải tiếp sinh viên một buổi sáng thì đến chiều là cả thân thể lẫn đầu óc đều rã rời, chỉ muốn trốn đi đâu đó một mình. Nhưng thầy thì hết ngày này qua ngày khác, không đổi.

Dòng người ra vào chùa liên tục đó, với những câu hỏi và sự tìm kiếm khác nhau, và cái cách thầy tiếp đón tất cả họ hấp dẫn tôi bởi vì bên dưới nó là sự chảy trôi không gián đoạn của một cái gì đó mà lúc đầu tôi không gọi tên được. Một cái gì đó nằm trong cái lõi thật nhất của đời sống và xuất phát từ cái gốc là một tình yêu thương không theo lối đối-đãi, không tồn tại ở tầng cảm xúc cá nhân mà rộng hơn nhiều nên nó có thể linh hoạt ứng biến, nó có thể nhẫn nại chịu đựng mọi thứ, nó không phân biệt cao thấp, xứng đáng hay không xứng đáng. Sau này, tôi mới hiểu rằng trong tất cả những cái đó có đạo; đạo chính là cái bất biến trong tất cả những vạn biến đó. Chùa là đạo tràng, thầy là người giữ đạo; giữ mà không hề thắt buộc cho nên đạo cứ theo thầy và các đệ tử của thầy mà chảy trôi và lan tỏa đi khắp nơi như một dòng sông. Nếu tưởng tượng thêm về lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới thì sẽ thấy thêm rằng ngay những việc nhỏ nhất trong chùa hằng ngày – từ thỉnh chuông, gõ mõ, ngồi chơi – đều là việc hoằng truyền Phật pháp; là cách mà Phật giáo khi vào đến Việt Nam có thể cắm rễ trong một đời sống làng xã mà trong nhiều thế kỷ người dân đa phần không biết đọc biết viết.

Ở chùa, tôi học được rất nhiều về sự chấp trước và phân biệt - ở mình và ở người khác. Ngày tôi mới vào chùa, câu mà tôi thường xuyên được hỏi nhất, và bao giờ cũng được hỏi một cách thì thầm là:
-        - Em cũng bị hả?
-        - Bị gì ạ?
-        - Đấy, bị ám ý, bị theo ý.

Nhiều khi nghe câu hỏi này, tôi cũng không biết trả lời thế nào. Nghĩ cho kỹ, ai trong chúng ta cũng bị ám theo nghĩa nào đó. Ám ảnh bởi quyền lực không tên của một người nào đó còn sống như bố mình, mẹ mình, sếp của mình, người yêu của mình với mình. Hoặc ám ảnh vì lời nói của người khác, vì những sợ hãi (sợ ma, sợ Trời, sợ thánh thần, sợ sếp, sợ danh, sợ tiền). Nhiều nhất là ám ảnh về chính bản thân mình – mình là người thế này, mình phải thế này, thế kia. Ngay cả cái ám ảnh rằng mình phải là người tốt, người hoàn hảo, cũng là một thứ ám ảnh trói buộc người ta một cách vi tế.

Khi tôi nói không, em không bị vong ám thì câu hỏi tiếp theo thường là:
-        - Thế em ở đâu, làm gì?
-        - Em đang dạy đại học
-        - Dạy ở đâu?
-        - Bên Mỹ ạ
-        - Hả?
-        - Bên Mỹ ạ
-        - Hả?

Không phải là họ không nghe rõ đâu, tai họ nghe rất rõ âm. Nhưng có lẽ họ không nghe bằng tai mà bằng ý niệm và đoán định trước, cho nên mới phải hỏi đi hỏi lại cho đến lúc tai nghe và ý nghe bắt kịp nhau. Nhưng mà chính tôi cũng thế. Tôi cũng đầy các phán xét, phân biệt đối xử, và chấp trước ở bản thân mình - đơn giản thì là những so sánh tự động “ở Mỹ thì thế này…”, rồi đến các chấp trước lớn hơn: Thế nào mới là “văn minh”? Thế nào là “cao” là “thấp”. Thế nào là thanh tịnh? Thế nào mới là trí tuệ? Thế nào là tu? Nhưng nếu đã có sự chọn lựa và kiểm duyệt bằng ý thức rằng nó phải thế này, phải thế kia, chứ không cảm hiểu và thể nhập được vào sự việc thì ta đều chỉ luôn nhìn thấy sự mô phỏng, phóng chiếu và các bản sao không chân thật về sự vật sự việc và thế giới. Nếu đã chấp vào các tướng thể hiện ra ngoài thì cũng vẫn sẽ trói buộc chính mình và người khác.

Càng ở chùa, càng nói chuyện, càng quan sát cái hạnh của từng sư ông và cách mà hạnh của họ lớn dần lên thì càng thấy hiểu biết của mình quá phiến diện và thế giới rộng vô cùng. Càng thấy trí tuệ không liên quan đến tuổi tác hay học vị, xuất thân. Lại càng thấy sự vi tế của cái gọi là “nhân tu vạn hạnh” và sự rộng lớn của chữ “tâm địa” tức là đất tâm. Tâm là một mảnh đất vốn không biên giới; đặt biên giới rộng hay hẹp chính là tự mình; mà trồng cái gì trên đó cũng ở mình. “Tâm địa” có thể trở thành “đại địa” - không từ chối cỏ dại hay tùng bách, cây nào cũng đón nhận và tùy theo tính chất mà nuôi chúng bắt rễ, đâm chồi. Đôi khi tôi nói với ông Khai –  người mà tôi nhìn thấy lúc ông đặt chân tới cổng chùa ngày đầu tiên – rằng tôi không thể nào còn có thể hình dung ông là “chú Trung” cách đây chỉ vài năm.

Chính là ở chùa mà lần đầu tiên tôi tự hỏi mình: “Mỗi sư ông ở đây một hạnh, ở sư ông này là chữ Dũng, người kia là chữ Từ, người khác là chữ Nhẫn, người khác nữa là chữ Cần, có người là chữ Hỉ, có người là chữ Hòa, chữ Khiêm… mỗi người một hạnh, bình đẳng tuyệt đối với nhau trong hạnh của mình; vậy cái chữ của tôi là gì? Hạnh của tôi là gì? Hay tôi chỉ có một mớ kiến thức, thói quen, suy tính, những đối đãi và cảm xúc luôn luôn xoay chuyển theo ngoại cảnh, lên lên xuống xuống thất điên bát đảo dù mình có thể giữ một vẻ ngoài điềm đạm?”. Dù sống tại gia, con người ta cũng cần phải có hạnh – như một thứ nguyên tắc sống xuyên suốt hành vi, lời nói, và ý nghĩ của mình.

Ở chùa, tôi học được về tâm Bồ Đề. Thật dễ khi sống một mình, giữ sự an ổn của mình, như người trong mật thất, tránh các tiếp xúc, để giữ sự thanh tịnh, an lạc cho mình và an trụ trong đó. Với đời sống ở Mỹ, vì tôn trọng riêng tư của nhau nên con người sống tương đối tách biệt, việc giữ sự an ổn một mình càng dễ. Nhưng ranh giới giữa an lạc với bàng quan và sợ hãi rất mong manh; cũng như ranh giới giữa việc thanh tịnh thân tâm với sự ngã mạn (cho rằng mình thanh tịnh hơn người khác và không muốn bị quấy rầy, phiền não, vấy bẩn) rất vi tế. Nếu đã muốn hành đạo Bồ Tát thì không thể nào không rời “tháp ngà” mà nhúng mình vào trong đời sống, xả bỏ ý niệm về sự trong sạch hơn người của mình; dùng các phương tiện khác nhau mà giúp người. Tôi học được rất nhiều từ quan sát thầy và các sư ông kiên trì giúp đỡ những Phật tử bị bệnh, cũng như học nhiều từ chính những Phật tử đang sống trong chùa. Như năm ngoái, tôi nhìn cách một người chồng chăm sóc người vợ bị bệnh đang sống trong chùa thì hiểu rằng khi có sự yêu thương lớn, người ta có dũng cảm để làm những việc không ai khác làm, kể cả xả thân, và cũng sẽ chấp nhận các hậu quả của việc mình làm mà không hề sinh tâm oán thán. Phương tiện để hành đạo Bồ Tát khác nhau – có khi dùng sự quát mắng, có khi thân mật lân mẫn, có khi vui vẻ với họ, có khi lặng lẽ làm việc, khi thế này, khi thế khác mà cái gốc thì bất biến. Vậy mới nói “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”.

Vì những điều như trên mà tôi ở chùa. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm tưởng rằng có thể dùng khoa học và học thuật để tìm ra sự thật về thế giới cũng như sự an lạc dựa trên sự thật đó, rút cuộc tôi đã phải làm một việc ngược lại là cởi bỏ dần những khái niệm và thói quen tư duy cũ để quay vào làm một việc là quan sát tâm mình, nhận biết các niệm nổi lên trong từng khoảnh khắc và trung thực về cái đang nổi lên. Để biết mình đang an lạc hay phiền não; đang giận dữ hay sợ hãi; đang nhẫn hay đang chạy trốn; đang kiêu căng tự phụ hay đang khiêm hạ nửa vời; đang vẫn để cái ngã của mình trình diễn về một cái tôi tốt đẹp nhằm thỏa mãn ham muốn được tự ve vuốt và thống nhất hay dám để cho cái ngã đó hoàn toàn vỡ vụn. Quan sát và từ bỏ. Quan sát và từ bỏ. Cái tôi học cơ bản chỉ có vậy; nhưng càng làm mới càng thấy khó vì mình đã tích tụ tầng tầng lớp lớp lậu hoặc, kiến hoặc, tư hoặc mà mình phải mất rất nhiều công mới có thể trừ bỏ vì càng vào sâu thì sự lừa dối của vọng tâm càng vi tế. Nhưng vui vẻ mà từ bỏ. Cấp thiết từ bỏ bởi vì những thay đổi mà tôi thấy trong cuộc sống của tôi mách bảo tôi rằng đây là con đường đúng.

Hè năm nay, mấy sinh viên Mỹ của tôi vào chùa sống vì nghe tôi kể nhiều về những ngày ở chùa. Trước khi vào, sinh viên của tôi cứ thấp thỏm hỏi tôi cách hành xử trong chùa để các em không làm gì trái văn hóa và khiếm nhã. Tôi chỉ nói “Be kind!” chứ cũng không hướng dẫn gì thêm và cũng không vào giám sát. Nhưng về đến Mỹ, các em đều viết thư cho tôi rằng những ngày ở chùa, dù giao tiếp được rất ít vì không hiểu tiếng Việt, nhưng các em đã học được rất nhiều và các em sẽ còn quay lại. Tôi không biết mỗi sinh viên của tôi học được những gì – đấy là việc của mỗi cá nhân; tôi chỉ có thể mang các em đến chùa chứ không thể học hộ bởi vì chùa là như vậy; ai bước qua cửa chùa, nhận được gì, thấy gì thì bản chất là họ tìm gì, thấy gì ở tâm mình. Dĩ tâm truyền tâm. Cảm ứng tùy thời hiện. Chùa chỉ như cái gương. Như ai uống nước thấy nóng lạnh, trong đục thì tự mình biết; còn dòng sông Phật pháp thì lúc nào cũng vẫn là dòng sông đó mà thôi.